Nếu Murakami thường dẫn tôi về ánh trăng bàng bạc trong tiếng Jazz dập dìu, thì Kawabata lại đưa tôi đến một mặt hồ sương khói giữa hiu hiu tiếng gió. Những ngẫu tượng mà tác giả vẽ lên trên trang sách bảng lảng nét đẹp buồn, thoắt ẩn thoắt hiện, mơn man như sóng (loại sóng cộm lên đôi chút đó chơi rồi hoà vào mặt nước, mất tăm.)
Gã Gimpei với mặc cảm đôi chân xấu xí, tôi chỉ nghĩ liệu gã có quay về ngách phố, đến trước ngôi miếu của một đền thờ nhỏ? Gã đừng nhìn sang phía quán trọ rẻ tiền nữa, biết đâu gã sẽ tìm ra được một mảng ký ức đã ngủ quên. Biết đâu đấy. Hay thôi gã cứ là kẻ lang bạt mang trong mình chứng bệnh duy mỹ kỳ quái, chạy đuổi theo những ngẫu tượng đẹp đẽ nào, tha thẩn bám đuôi họ cho tới khi mang nỗi tiu nghỉu trở về. Và khóc với ảo ảnh mãi không thôi.
Cuốn sách dẫn người đọc từ nhân vật này sang nhân vật khác, khung cảnh này sang khung cảnh khác, thời gian này sang thời gian khác, lồng ghép vào nhau, như kiểu những cơn gió vờn quanh mặt hồ không lối thoát. Hay như kiểu một viên sỏi ai đó thả xuống mặt hồ, làm loang ra những vòng sóng tròn bất tận. Quạnh quẽ biết bao nhiêu.
Phải rồi, tôi đồ rằng Kawabata đó chỉ thả một viên sỏi xuống mặt hồ, cho nhân vật của mình cộm lên, trôi giữa lớp lớp những vòng tròn lan ra từ chỗ viên sỏi được thả xuống, lan mãi cho tới khi nhân vật của ông hoà tan vào mặt hồ không dấu tích. Rồi, ông ngoảnh lưng, bỏ đi.
Vien khanh mơ mộng ghê, dòng văn thật hay, êm đềm như mặt hồ ko sóng
bài giới thiệu về Hồ – Kawabata hay nhất mà tôi từng thấy. 🙂