Fragments 05

120402goctraitim199_9ce20

1-      Tui có những người bạn. Họ sẵn sàng chịu khó tới bên tui, dù tui có thay đổi địa điểm hẹn ba lần bảy lượt thì họ cũng không lấy đó làm phiền hà. Tụi tui ngồi, nói với nhau quên giờ quên giấc. Tụi tui ngồi, nghe những hoang mang của nhau, thả mình vào những câu chuyện của nhau, cho nhau một lời khuyên, gieo vào lòng nhau một sự tin cậy mơ hồ. Tụi tui tiêu tốn thời gian của nhau bằng những tiếng cười. Sáng chủ nhật này của tui bắt đầu như vậy.

2-      Tui thích sự chừng mực, có một quỹ thời gian, một mục đích rõ ràng cho một việc nào đó. Nó làm cho việc mình dứt ra khỏi cuộc vui để trở về thành ra bịn rịn. Nó làm người ta nảy ra cái cớ cho cuộc gặp tiếp theo. Nó mang đến một lời hẹn, một “lần sau”. Còn gì ngọt ngào hơn việc có mặt trong tương lai của nhau?

3-      Tui cũng thích sự dây dưa nữa. Hồi nhỏ tui thường thể hiện sự dằng dai của mình bằng cách vít cổ ba lại, hoặc hun má ba một cái trước khi ba đi đâu, hoặc khóc. Thể nào ba tui cũng không đành lòng, sẽ ở lại với tui thêm một chút. Giờ tui đôi khi bỏ đi trước, đôi khi ngó lơ, nhưng thực ra là tui thích ngóng cho tới khi người bạn của tui đi khuất, để tui thấy yên tâm. Tui thích ngồi chờ ai đó, như cảm giác của đứa trẻ chờ mẹ đi chợ về. Sự chờ đợi luôn hứa hẹn một niềm vui bất ngờ. Sự chờ đợi luôn đẹp hơn kết quả của sự chờ đợi.

4-      Tui có đôi điều băn khoăn, nhờ những người bạn của tui mà tui thấy nhẹ trong lòng hơn một chút. Tui nghĩ cứ làm, cứ yêu điều tui làm theo cách  riêng tui. Tui nghĩ nên thử thả lòng mình rỗng rang vì làm sao mà rót được nước vào một cái ly đã đầy?

5-      Thì ra khi đau, tui chọn cách của con đà điểu, hễ sợ hãi là úp mặt vào cát, để mình không nhìn thấy gì, mặc kệ những xôn xao ngoài kia.

Hey hey, hey hey!

Nếu nhạc country là câu chuyện kể có mở đầu và kết thúc giống như một bức tranh chi tiết, thì Indie, Alternative là một bức phác họa. Ở đó người nghe chỉ nhìn thấy những nét chấm phá, một vài đường ngệch ngoạc. Họ buộc phải tự tưởng tượng bức tranh theo kiểu của riêng mình. Ca khúc Big Jet Plane của Angus & Julia Stone có lẽ là một bức phác họa như thế, người nghe chỉ nhận ra những điểm nhấn, về một chuyến đi mơ hồ nào đó mà thôi. Cần nói thêm Angus & Julia Stone là brother-sister folk-blues duo của nước Úc xinh đẹp. Angus Stone gặp một cô gái và trong đầu anh chỉ muốn cùng nàng đi khắp thế gian nên đã sáng tác ra ca khúc trên, đây cũng là single bán chạy nhất của duo này…

Tui định nói về Big Jet Plane như thế, nhưng đọc lại thì thấy không thích nữa. Tui nghĩ dẹp ba cái chuyện thể loại hay tác giả gì đó qua một bên đi. Tui thấy một bạn post trên tường fb bài này và tui nghe lại nghe đi, nghe riết từ hôm qua tới giờ. Một ca khúc chỉ trở nên hay ở vài thời điểm nào đó mà thôi, khi nó vô tình chạm vào tâm tư trong lòng.

 “She smelled of daisies,

She drive me crazy,

Gonna take her for a ride on a big jet plane

Gonna take her for a ride on a big jet plane”

Cuộc sống bề bộn quá, bít hết mọi lối, không có chỗ cho người ta thả hồn mình lãng du. Nếu bạn xem official video của ca khúc trên, sẽ thấy một cô gái làm việc cho siêu thị, cũng có những mong mỏi nhìn ngắm thế giới bên ngoài, cũng có những phút giây muốn bung mình như con ốc bung khỏi vỏ, và bỏ đi. Video mở đầu bằng mái tóc bồng bềnh bay trước chiếc quạt máy nơi quầy thu ngân của siêu thị, và khép lại bằng việc cô xịt nước vào tấm kính, lau chùi, dọn dẹp, tiếp tục những công việc hằng ngày với ánh mắt buồn cố hữu.

Tui nghĩ cổ đang sống những ngày tháng không màu.

Tui thấy cổ sao buồn quá.

Tui nghĩ nếu cổ không đi được, thì, ai đó hãy mang cổ đi đi:

“Gonna take her for a ride on a big jet plane

hey hey, hey hey!”

Có được là người- Primo Levi

“infin che ‘l mar fu sovra noi richiuso”

“Cuối cùng trên chúng tôi biển cả khép lại rồi”

(Khúc XXVI, Thần khúc– Dante)

———-

Tôi nghĩ việc có thể dẫn dắt độc giả đọc hết một cuốn sách toàn cái chết và sự tàn bạo như thế này mà không có cảm giác ám ảnh về cái ác thì đó thực sự là tài năng phi thường trong lối dẫn truyện của Primo Levi. Rốt cùng, cái ám ảnh không phải là người ta bị cạo trọc đầu, bị xăm lên mình những con số, bị mất tên, bị cái đói và sự cực nhọc biến nỗi nhớ về ngày tháng cũ hay nỗi hoang mang cho tương lai thành mộng tưởng xa vời. Cái ám ảnh không phải là tấm phiếu được chuyển sang bên phải thì còn sống, sang bên trái đồng nghĩa với việc bị gom vào phòng hơi ngạt, có nhầm phiếu một chút thì đã làm sao, bọn SS đâu thèm quan tâm. Cái ám ảnh không phải là gã thanh niên trước khi bị treo cổ trước đám đông đã hét lên một tiếng cảnh tỉnh mọi người rằng “Các bạn, tôi là người cuối cùng” rồi co giật và chết trong sự lặng lẽ vô hồn của đoàn người khòm lưng xám xịt bước qua. Cái ám ảnh không phải “khi mặt đất bắt đầu rung chuyển, chúng tôi lê bước choáng váng khập khiễng qua những đám khói hủy diệt đến tận khu vực bị bỏ hoang bẩn thỉu cằn cỗi gần hàng rào Buna. Đến đó chúng tôi nằm rạp xuống, người này đè lên người kia như đã chết, nhưng vẫn cảm nhận được sự ngọt ngào trong giây lát của cơ thể được nghỉ ngơi. Chúng tôi ngước mắt dửng dưng nhìn những cột khói và những tia lửa tóe lên xung quanh, và trong những giây phút thanh bình ấy giữa những âm thanh đe dọa mà mọi người dân châu Âu đều biết rõ vẳng tới, chúng tôi nhặt những lá diếp và bông cúc còi cọc bị dày xéo cả trăm lần lên và nhai chúng rất lâu trong im lặng.”

Cái ám ảnh ở đây là dấu chấm hỏi mà Primo đặt vào lòng người đọc: như thế nào thì được gọi là người? Bên trong của Lager dĩ nhiên là khủng khiếp, nhưng liệu có khủng khiếp bằng bên trong của chính những con người phải trải qua cuộc sống ở Lager?

Tôi tưởng Primo sẽ kể nhiều hơn việc ông được cứu sống ra sao khi ra khỏi trại Auschwitz vì đó hẳn là những trang huy hoàng cho cuốn sách này, vì đó là khoảnh khắc ông vừa bước từ địa ngục để về với mặt đất bình yên. Nhưng ông không kể thêm. Cái cách ông kết truyện làm cho người đọc lúng túng, và cứ thấy mình vương vất mãi đâu đó ở Auschwitz. Thực ra thì cái mầm độc của Auschwitz đã đâm chồi bén rễ ở sâu bên trong từ lúc nào, chỉ còn chờ ngày hủy hoại, là xong. Thực ra thì Primo có lẽ đã chết từ lúc ông ở Auschwitz chứ không phải là mãi bốn mươi năm sau.

Vậy đó. “Sớm hay muộn trong cuộc đời mình mỗi người sẽ khám phá ra rằng hạnh phúc hoàn hảo là không có thật, nhưng ít ai chịu ngẫm nghĩ điều ngược lại: rằng một sự bất hạnh hoàn hảo cũng không hề có.” Ranh giới thực sự giữa sự sống và cái chết có phải chỉ là một hơi thở không? Hẳn là không. Nhưng như tôi nói từ đầu rồi đó thôi, đọc “Có được là người” dù là nỗi đau bày trải ra đó, ta vẫn cứ thấy cuộc sống này quý giá và tình người đáng trân trọng biết nhường nào.

Guitar Gỗ (2)

Ảnh

 Tui đến Guitar Gỗ không nhiều, chỉ là thi thoảng ghé qua vì thích không gian ở đó, mộc mạc, hiền lành. Ở Guitar Gỗ, tui có thể chọn cho mình một chỗ ngồi đối diện với sân khấu để nhìn rõ người hát và người chơi đàn; hay chọn một cái bàn thấp trên căn gác nhỏ để có thể khoan khoái duỗi chân nhoài đầu dựa trên tay ghế mà không bị ai nhìn thấy; hay ngồi mé sau sân khấu cũng được, vị trí hậu trường, cánh gà, cảm giác như mình là “người nhà”, như dạng khách quen tới để chung vui chứ chẳng câu nệ hình thức.

Hồi lần đầu đến Guitar Gỗ, tui bị ấn tượng bởi một anh chàng mang áo chemise trắng quần tây đen. Anh chàng đó chơi guitar hay quá đỗi (thực ra anh có lỡ đánh nhầm một hai note thì đối với tui cũng không hề gì, anh vẫn hay tuyệt cú mèo như thường, vì tui không phải dân có chuyên môn). Khi chơi đàn, anh cười. Kiểu cười như thể anh vừa là người chơi mà cũng vừa là người thưởng thức. Như thể vào cái khoảnh khắc bắt đầu chạm vào bản nhạc thì anh và bản nhạc đó hòa làm một. Hẳn là anh phải yêu và ưng ý việc anh đang làm dữ lắm. Cái cách anh cười, nó khiến tui băn khoăn. Sau, tui không lấy làm băn khoăn nữa, tui nghĩ nó đơn giản là đẹp. Khi người ta yêu thích một việc gì, khi người ta làm việc đó bằng cả trái tim, thì người ta trở nên đẹp đẽ. Tui đồ là anh biết nụ cười của anh có thể đốn rụng trái tim bao cô nàng, nên anh cứ chơi chiêu cười hoài. Tui với cô bạn thân thỉnh thoảng thấy lòng xao xuyến. Những buổi tối của tụi tui ở Guitar Gỗ cứ bồng bềnh theo điệu đàn và điệu cười đó mà trôi.

Có vài lần lẽ ra tui sẽ ngồi cùng bàn và trò chuyện cùng anh, vì tui có nhiều bạn quen ở quán, họ kéo tui ngồi lại. Nhưng tui cố tình để vụt mất vài lần đó, tui từ chối. Tui không phải ngại, mà chỉ thích ngó anh từ xa, lúc đang chơi đàn.

Giờ nghe đâu anh không làm ở đó nữa, tự nhiên thấy buồn. Tui trước giờ cứ đinh ninh anh và cái quán là một. Tui nghĩ tui chỉ việc đi chơi đâu thỏa thích, khi nào muốn nghe đàn, muốn ngó một nụ cười thì đến đó. Tui cứ tưởng mọi thứ luôn bày biện sẵn ra, chờ đợi để mà chiều chuộng mình. Tui chủ quan quá, thành ra bây giờ tui bâng khuâng.

Nhưng có sao đâu, rồi thỉnh thoảng tui cũng sẽ tới quán, như bao lần trước thôi. Tui tới để nghe đàn, để nhớ, và để kể cho bạn nào đó chưa biết về anh rằng: trước đây quán có một anh chàng hay ho lắm. Anh chàng hiền khô, có ánh mắt biết cười, và biết gảy điệu đàn làm chao đảo trái tim bao cô gái, trong số đó có tui.

Guitar gỗ (1)

10001492_10202405349029018_302078398806674892_n

“- Bố ơi, khi mà người ta đau lòng quá, người ta phải làm sao hả bố?

– Tập trung vào công việc mình đang làm. Con có ngồi Thiền hay tập Yoga không? Có chuyện gì vậy, con gái? Mai ghé Guitar Gỗ chơi với bố, nghen!”

Tôi đến Guitar Gỗ vì một lý do ích kỷ như thế: vì tôi buồn.

Và đêm. Bố ngồi đó. Bản Flamenco tôi nghe đã nhiều lần, ngón búng dây hay ngón đàn một tay cũng đã rất quen, vậy mà vẫn cứ mềm lòng như thể lần đầu thưởng thức. Bố hát thêm một bài, phổ nhạc từ thơ Đỗ Trung Quân, bài hát kết thúc bằng câu:

“anh không về nữa
nhớ mùa xưa không?”

Dấu chấm hỏi đó nó buồn hơn những dấu chấm hỏi khác. Dấu chấm hỏi đó bố thả chao giữa lòng nhạc, đáp xuống cuối bài. Lơ đãng mà xao xuyến. Như cái kiểu người ta thả nỗi nhớ vào mùa lãng quên. Tôi nghĩ có lẽ nỗi buồn của riêng tôi cũng rơi đâu đó giữa những nhớ quên mà tôi tự tạo ra cho mình. Nó sẽ đáp xuống lặng lẽ như câu bố hát chứ? Hay sẽ lạc đâu đó xa tầm với? Tôi cũng không rõ nữa. Tôi sẽ tìm và hỏi thời gian về điều này sau. Còn bây giờ, tôi chỉ muốn ngồi lặng yên, nhấm nháp tiếng solo guitar, khẽ kéo rèm nhìn ra cửa sổ.

Bầu trời đầy sao, không ai chạm đến. Nỗi buồn hẳn cũng vậy, thấy đó thôi chứ không chạm tới được. Vậy thì chạm vào làm chi? Cứ để nỗi buồn chao đảo như thế và dịu dàng như thế, có sao đâu. Để tôi ngồi yên một chặp thật lâu như thế, cũng có sao đâu. Lát nữa thôi, tôi về.

Thầm cảm ơn bố. Sinh nhật bố, bố đãi tôi thật hậu hỉ.

entry cho bạn

“Nhận thêm một thiệp cưới/ Thấy mình lẻ loi hơn”

Bạn gọi điện.

Bạn bảo tụi mình thiệt lười, lâu rồi chẳng viết được cái gì. Thực ra là mình lười hơn bạn, mình còn chưa đọc xong cuốn 1q84 tập ba.

Bạn đọc cho mình nghe một đoạn, lời giới thiệu của một cuốn sách hay đại loại cái gì đó mình chẳng nhớ. Chỉ biết khi nghe bạn đọc, mình tưởng tượng ra hình ảnh một người đang ngồi gỡ từng sợi ký ức. Mình biết chắc rằng đó là một cuốn hay vì bạn toàn đọc những thứ hay. Mình biết chắc rằng một thời gian sau mình sẽ lục lại trí nhớ và hỏi bạn cho ra đó là cuốn gì. Còn bây giờ, tai mình nó hư lắm, nó chỉ cho mình nghe những thứ nó muốn nghe: tiếng lật sách, giọng đọc trầm, những khoảng lặng. Mình nằm và cứ thế miên man trong đầu. Mình thấy mình của năm lớp 12 ngồi cặm cụi vẽ vời nơi bàn trực ký túc xá, tà áo dài trắng và tuổi xuân lất phất bay, những cuộc chuyện trò bất tận, dòng chữ viết bằng mực tím ở trang cuối cuốn sổ lưu bút, cánh thư đường bay mây phủ, cuốn sách ai đó để quên nơi nhà thờ Phước Bình, đóa ngọc lan e ấp, bản Nocturne, mùi thuốc lá cay nồng.

Ký ức vô tình bị triệu hồi về đây. Ký ức không ngoan như ta tưởng, nó nhốn nháo khuấy động cả tâm tư. Phải chi có thể lấy roi mà khẽ cho mấy cái.

Mình nghĩ vậy, bất giác cười, rồi tiếp tục bâng quơ. Bâng quơ để mà hờn dỗi chơi thôi. Không biết sau này liệu rồi bạn có còn gọi mà đọc cho mình nghe một đoản văn, một câu thơ, hỏi mình những câu chẳng có ai hỏi, và chịu đựng nghe mình kể đủ thứ chuyện tào lao trên đời này? Liệu bạn có còn muốn thấy mặt trời tròn thiệt tròn, to thiệt to, màu cam lúc 5h30, và màu đỏ lúc 5h45 trên cây cầu mỗi chiều mình đi qua? Liệu bạn có còn lặng im và đợi mình cúp máy trước?

Mình đã không hỏi bạn nhiều như thế và rắc rối như thế. Mình chỉ tự nghĩ, rồi ngập ngừng: “sau này”…

Vậy mà dường như bạn hiểu, vì bạn nói:

– “Có chứ, Khánh!”

Cam Ranh

Mình vốn thích những thứ cũ cũ, nhỏ nhỏ, xinh xinh. Cam Ranh là một ví dụ. Cam Ranh bé tí teo, đi qua đi lại một buổi chiều là hết đường hết ngõ rồi. Từ nhà mình, ngó lên là núi Hàm Rồng, ngó xuống là biển. Mình nghĩ ngó qua ngó lại nhiêu thôi cũng hết cái Cam Ranh mất tiêu rồi đó.

Ngày mình còn nhỏ, tóc mình vàng, mắt xanh lơ, mũi cao, cả xóm ai cũng gọi mình là Mỹ lai. Gọi vậy mình nghe tủi thân lắm nơi, vì tưởng mình không phải con ruột của ba mẹ. Có khi tủi quá, ra gốc dừa trước nhà ngồi khóc. Nhớ lần đó bị mẹ la, mình đau khổ trong lòng, nghĩ có khi mình không phải con ruột của ba mẹ thật nên quyết bỏ nhà ra đi. Hành trang ra đi là bộ đầm voan đẹp nhất, cái túi con con đeo một bên (trong đó có gia tài là hai trăm đồng) và một con búp bê. Trước khi đi còn ôm đôi dép lào của ba mẹ vào lòng chào tạm biệt. Hồi đó Cam Ranh với mình to chảng, đâu có nhỏ như bây giờ. Hồi đó quyết tâm lắm chứ đi được cách nhà bốn căn là thấy xa quá xá rồi, thấy tự nhiên đói bụng, và khóc òa lên, quay về nhà, ôm lại đôi dép lào của ba mẹ mà nức nở. Chuyến bỏ nhà đi bụi ngày bé chấn động đó ngoài mình ra, cả nhà không ai hay biết gì hết trơn.

Thỉnh thoảng về lại xóm cũ, nhà cửa thay đổi quá chừng, kể cả nhà mình. Mấy cô chú anh chị hàng xóm, người mất, người đi, xóm giờ toàn những nhà cao, những hàng rào. Thấp thoáng còn vài ngôi nhà giữ nguyên như hồi xưa, nhưng người thì cũng không còn nữa rồi. Mình nhớ những trưa tụi nhỏ trong xóm trốn ngủ đi hái trứng cá, đi bắt bươm bướm, đi lên núi tìm thuốc trường sinh, những tối cúp điện quây quần bên nhau chơi đốt lửa, kể chuyện ma, chơi rồng rắn lên mây… Ngày tháng biếng lười, ngày tháng không chịu phủi lớp bụi thời gian kia đi. Dần dà ngày tháng bị che mờ, cũ hết.

Cam Ranh giờ có thay đổi diện mạo một chút, nhưng thiệt ra vẫn vậy thôi, vẫn đơn sơ, vẫn nhỏ xíu xiu. Chỉ khác là tụi nhỏ ngày xưa đi theo đường tụi nhỏ, người già ngày xưa đi theo cách của người già. Rồi thì Cam Ranh cứ như một người mẹ, cứ hiền hòa ngó ngó từng lớp con, và khư khư giữ lại bên mình từng hũ kỉ niệm. Kỉ niệm ngọt như kẹo. Những buổi chiều trong veo như buổi chiều nay, mình len lén lấy trong hũ ra một viên kỉ niệm ngọt lịm, ngồi nhớ tháng ngày xưa.

1621945_10201995470302306_159904575_n

Fragments 04

120402goctraitim199_9ce20

Đêm vắng lặng quá! Đêm cố tình chừa ra khoảng trống cho mình miên man suy nghĩ. Những khoảng trống rộng rinh.

Một cuộc điện thoại dài hơi, một vài dòng tin nhắn, một sự lặng im vừa đủ cảm giác chênh vênh… tất cả rơi thỏm vào lòng đêm, còn mình thì sót lại. Chợt nhớ tới câu nói của Shakespeare hồi xưa mình đã tâm đắc chép vào sổ:

‘I will have poetry in my life. And adventure. And love. Love above all. No, not the artful postures of love, not playful and poetical games of love for the amusement of an evening. But love that overthrows life. Unbiddable, ungovernable, like a riot in the heart, and nothing to be done, come ruin or rapture.’

 (Đời tôi sẽ là những vần thơ. Là những cuộc chơi. Là tình yêu. Hơn hết thảy là tình yêu. Không, không phải thứ tình yêu chỉ để làm dáng, cũng chẳng phải ba cái trò ân ái bông đùa thơ thẩn chiều hôm. Mà phải là thứ tình yêu có thể làm vỡ tan cả cuộc sống kia. Một tình yêu bất tuân, khó kiểm soát, như là sự nổi loạn của con tim, và chẳng thể làm được gì ngoài để mặc cho cõi lòng hoang phế hay vẫn hoài si mê.)

Nếu đêm có thể nói chuyện được, có lẽ đêm sẽ gõ vào đầu mình một cái và bảo rằng: Đời không chỉ là những vần thơ, và không phải con tim ai cũng sẽ mãi đập cho nhau.

Uhm. Có lẽ đêm đã nói với mình như thế thật.

Phía nam biên giới, phía tây mặt trời

Nov 23,

Tôi đang đọc “Phía nam biên giới, phía tây mặt trời” của Murakami, tới chương 4, và không thể đọc tiếp thêm được nữa. Bỏ quyển sách xuống, nhìn lên trần nhà, chợt buông một tiếng thở dài. Tôi nghĩ về bạn, về tình cảm mà bạn dành cho tôi. Những cánh thư, những nét chữ, tất cả trả về cho khung trời hoang mộng của thời niên thiếu. Khẽ mở một bản nhạc bất kì trong mp3 ra nghe cho bớt trống trải:

“Có khi lòng không hẹn

Có khi tình không hẹn

Có khi tìm nhau mãi không gặp nhau đâu nữa

Có khi tình rất buồn

Có khi người rất buồn 

Có khi tìm nhau nói câu biệt ly không hết”

Một bài hát của Quốc Bảo. Ca từ cứ ngân vang ngay cả khi tôi đã tắt máy đi rồi. Hơn ai hết, tôi ý thức được nỗi buồn nỗi nhớ từ lâu đã đóng một nhát đinh vào lòng mình. Vậy mà lúc này, ca từ của bài hát lại nỡ làm nhói đau thêm một lần nữa. Như cái kiểu người ta vít thêm một con ốc vào cái đinh cho chắc, người ta siết lại, để mà dù có bao lâu đi chăng thì nỗi buồn cũng không thể long ra khỏi lòng mình được.

Tôi nhớ cái cách bạn cười. Tôi cũng nhớ có lần bạn bảo nụ cười của tôi là nụ cười trong mộng khi bạn nhắc đến câu thơ “Năm tháng vẫn như nụ cười trong mộng” của thầy Tuệ Sỹ. Tôi lẩm nhẩm lại, và nghĩ thầm rằng bạn hẳn cũng có những khoảnh khắc buông sách xuống và nghĩ về tôi. Chính xác như cái cách tôi đang nghĩ về bạn, hoặc giả sẽ sâu đậm hơn, nồng nàn hơn tôi gấp nhiều lần. Và kết thúc bằng sự lặng im đến nghẹt thở, giống như tôi lúc này đây. Continue reading

về Gatsby

Một cách cá nhân, cảm giác khi đọc xong “Đại gia Gatsby” (F. Scott Fitzgerald- Trịnh Lữ dịch) có gì đó giống với cái cảm giác khi tôi đọc xong cuốn “Bắt trẻ đồng xanh” của J. D. Salinger. Đó là cái cảm giác của một người đang đứng đâu đó chơ vơ một mình mà gió hư vô thì cứ bàng bạc thổi. Những cơn gió mang theo hàng tá hàng tá vi khuẩn từ một “xã hội bị nhiễm độc, bị vây bủa bởi một bọn nửa người nửa ngợm”. Và người đó sắp không thể nào chịu nổi thêm được nữa, hoặc giả sẽ ngã khụy xuống, hoặc giả phải hét lên một tiếng để át đi nỗi mệt mỏi chán chường đang trào dâng đến tột đỉnh kia.

 “từ trên cao này, dãy cửa sổ vàng vọt kia của chúng tôi chắc cũng đang dự phần phô diễn những bí ẩn nhân sinh cho ai đó đang lơ đãng nhìn lên từ dưới những đường phố đang tối dần kia, và chính tôi cũng là người ấy, đang ngẩn nhìn và đang tự hỏi mình đang thấy những gì. Tôi đang vừa ở trong vừa ở ngoài, vừa bị mê hoặc vừa thấy kinh tởm bởi cái đa dạng khôn kiệt của cuộc đời.” Continue reading